Tìm kiếm

Thư viện

Thông tin tuyên truyền

Trang chủ \Giới thiệu\Giới thiệu chung

Giới thiệu chung về phường Mỹ Phú


Đăng lúc: 08:57:55 23/05/2023

GIỚI THIỆU CHUNG VỀ PHƯỜNG MỸ PHÚ

I. SƠ LƯỢC LỊCH SỬ HÌNH THÀNH PHƯỜNG MỸ PHÚ

Thời vua Gia Long, ông Nguyễn Tú người đất Qui Nhơn vào cư ngụ ở xứ này quy tụ dân lưu tán đến nơi đất hoang chưa người ở, khai phá lập nên một thôn, đặt tên là Thôn Mỹ Trà, trải qua niên hiệu Minh Mạng thứ 21 (1840), năm Thiệu Trị thứ 7 (1847), năm Tự Đức thứ 29 (1876), cũng là xã Mỹ Trà sau này. Trong lịch sử đấu tranh, toàn dân Mỹ Trà đã anh dũng chống giặc, tiêu biểu là trận Mỹ Trà ngày 22 tháng 7 năm 1865 của nghĩa quân Thiên Hộ Dương; các phong trào Đông Du, Minh Tân. Khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, tại Mỹ Trà, chi bộ Đảng đầu tiên được thành lập vào năm 1930. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ xã, Nhân dân Mỹ Trà tiếp tục góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc theo con đường của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Thời kỳ chống Pháp, trận Mỹ Trà của tiểu đoàn 311 là một trong những trận chiến đấu tiêu biểu nhất. Ngày 28 tháng 10 năm 1954 tại nhà  việc Mỹ Trà đã chứng kiến lễ bàn giao lịch sử của hai phái đoàn Liên hiệp Pháp và Quân đội Nhân dân Việt Nam. Phía Quân đội Nhân dân Việt Nam là đồng chí Tô Ký đại diện và sự có mặt của Tiểu đoàn 311. Phía Liên hiệp Pháp có Đại tá Le Duque. Cuộc họp thực tế là một cuộc mít tinh có cả trăm người dự. Trong  bàn giao bên ta buộc Liên hiệp Pháp hứa bảo vệ hai công trình Đài chiến sĩ và mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sanh Huy, đồng thời “Giải quyết các vấn đề bằng biện pháp hòa bình”. Kết thúc, đại diện Quân đội Nhân dân Việt Nam nói rõ: “Chúng tôi giao vùng quản lý trước đây cho nhà cầm quyền Pháp”. Đại tá Le Duque nói bằng tiếng Pháp: “Chúc hòa bình và thịnh vượng”. Năm 1961, trận đánh bắt sống Đại úy Nguyễn Lương Tri – Phó Tỉnh trưởng kiêm Tỉnh đoàn trưởng Bảo an tỉnh Kiến Phong tại ngã ba Rạch Vông – Bà Mụ. Thời kháng chiến chống Mỹ, Mỹ Trà có căn cứ kháng chiến của Ban cán sự Thị xã Ủy Cao Lãnh, nay thuộc ấp 2, xã Mỹ Trà, thành phố Cao Lãnh. Trên cơ sở những chiến tích cách mạng đáng tự hào, năm 1998, xã Mỹ Trà được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân. Xã Mỹ Trà nổi tiếng với làng nghề đan mê bồ truyền thống và từng là trung tâm phủ lỵ, quận lỵ, tỉnh lỵ, có vị trí đặc biệt quan trọng về hành chính và thương mại.

Từ năm 1975 đến 2005, hòa chung không khí phát triển của thị xã Cao Lãnh, xã Mỹ Trà không những phục hồi sau những thiệt hại trong chiến tranh mà còn có những bước phát triển. Cơ sở hạ tầng được nâng cấp và xây dựng mới, đặc biệt là việc mở rộng, xây dựng mới các tuyến đường giao thông, các mạng lưới điện,… đã tạo điều kiện để kinh tế xã Mỹ Trà phát triển hơn nữa, đời sống Nhân dân được cải thiện. Vị trí, vai trò của Đảng và chính quyền ngày càng được củng cố. Đây là điều kiện tiền đề cho việc hình thành nên phường Mỹ Phú ngày nay.

Thực hiện Nghị định 194/2004/NĐ-CP ngày 30 tháng 11 năm 2004 của Chính phủ về việc thành lập các phường thuộc thị xã Cao Lãnh, Sa Đéc và mở rộng thị trấn Hồng Ngự, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, thành lập phường Mỹ Phú thuộc thị xã Cao Lãnh trên cơ sở 263,70 ha diện tích tự nhiên và 7.490 nhân khẩu của xã Mỹ Trà. Đến ngày 25 tháng 04 năm 2005 phường Mỹ Phú chính thức được thành lập.

II. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ, VĂN HOÁ - XÃ HỘI PHƯỜNG MỸ PHÚ

1. Điều kiện tự nhiên

Địa giới hành chính của phường Mỹ Phú khi được tách ra: phía Đông tiếp giáp xã An Bình, huyện Cao Lãnh; phía Tây giáp Phường 1, Phường 2; phía Nam giáp Phường 3; phía Bắc giáp xã Mỹ Trà. Diện tích tự nhiên của phường Mỹ Phú là 267,68 ha, gồm 5 khóm: khóm Mỹ Thượng, khóm Mỹ Phú, khóm Mỹ Trung, khóm Mỹ Tây, khóm Mỹ Thuận.

Địa hình phường Mỹ Phú tương đối bằng phẳng, phần lớn đã ổn định, cao độ san nền bình quân thấp, ít tốn kém, thích hợp cho việc phát triển đô thị. Phường Mỹ Phú nằm trên tuyến Quốc lộ 30, cửa vào nội ô thành phố Cao Lãnh, nằm bên cạnh sông Tiền, ngoài ra còn có nhiều sông rạch tự nhiên khác. Do đó, phường chịu tác động của chế độ thủy triều sông Tiền. Hàng năm, chịu ảnh hưởng của lũ tràn qua Đồng Tháp Mười, đặc biệt là các đỉnh lũ theo chu kỳ.

 2. Điều kiện kinh tế

Về nông nghiệp, diện tích đất nông nghiệp toàn Phường là 20 ha, năng suất bình quân đạt 4,5 tấn/ha.  

Về tiểu thủ công nghiệp, phường vẫn duy trì hơn 30 cơ sở tiểu thủ công nghiệp, chủ yếu là đan mê bồ và đan lục bình xuất khẩu.

Thương mại, dịch vụ được duy trì và phát triển với trên 300 cơ sở, tập trung chủ yếu là dịch vụ ăn uống, nhà nghỉ, giải trí. Đặc biệt là hoạt động của Chợ Mỹ Trà, Khách sạn Hòa Bình, Nhà hàng Phong Lan 2, Khu du lịch Mỹ Trà đã góp phần rất lớn vào phát triển thương mại, dịch vụ của Phường.

Các công trình hạ tầng kỹ thuật gồm giao thông đường nhựa chiếm 50%, hệ thống cung cấp nước sạch sinh hoạt được lắp đặt; hệ thống điện chiếu sáng đã hoàn thiện đến tới từng hộ dân.

 3. Điều kiện văn hoá - xã hội:

Năm 2005, tổng số hộ dân của Phường là 1.762 hộ với 7.011 nhân khẩu, mật độ dân số là 2.62 người/km2. Thành phần dân tộc chủ yếu bao gồm dân tộc Kinh, Khơ-me, Pa-ko, Hoa, trong đó chiếm đa số là dân tộc Kinh (trên 90%). Lao động chính từ 3500 – 4000 người, chủ yếu là lao động phổ thông, dịch vụ và công viên  chức Nhà nước. Đời sống Nhân dân tương đối ổn định.

Nhân dân phường Mỹ Phú có 2 tôn giáo đó là Phật giáo và Thiên Chúa giáo, còn lại chủ yếu là thờ cúng ông bà, tổ tiên. Trên địa bàn phường Mỹ Phú còn có chùa Linh Bửu, miếu Trăm quan cựu thần, đáp ứng được các nhu cầu tín ngưỡng của người dân. Nhìn chung, người dân tham gia tôn giáo trên địa bàn phường Mỹ Phú có sự đóng góp, hỗ trợ cùng chính quyền, đoàn thể thực hiện tốt công tác đoàn kết xây dựng khu dân cư, góp phần cho sự phát triển của địa phương.  

Phường Mỹ Phú không chỉ có những công trình trọng điểm của Phường như: trường Mầm non Mỹ Phú, trường Tiểu học Mỹ Phú, trụ sở Ủy ban Nhân dân phường Mỹ Phú, trụ sở Công an phường Mỹ Phú, trạm Y tế phường Mỹ Phú, Bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và những địa danh có từ rất lâu như Rạch Bằng Lăng, Rạch Gia, Rạch Tắc Thầy Cai, Cống (Rạch) Chín Đúng, Rạch Bà Tồn,…mà còn là nơi đặt những công trình trọng điểm của Tỉnh và Thành phố như: Trường trung học phổ thông chuyên Nguyễn Quang Diêu, Trường trung cấp nghề giao thông vận tải, Sở Giao thông vận tải, Tòa án nhân dân  Tỉnh, các cơ quan y tế (Trung tâm Y Tế Dự Phòng,Trung tâm Phòng Chống HIV/AIDS, Trung tâm Da Liễu,…) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội  Tỉnh, Phòng Cảnh Sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn ,Công An tỉnh Đồng Tháp, Trung tâm Thể dục - Thể thao Tỉnh,... Ngoài ra, phường Mỹ Phú có 2 công trình di tích cấp Tỉnh như nghĩa trang liệt sĩ Tỉnh và khu di tích lịch sử - văn hóa Tiền hiền Nguyễn Tú.